12.2.09

Bố cục

Bố cục (composition) là sắp xếp, kết hợp, chọn lựa, tổ chức lại, bổ xung...đường nét, hình thể cấu tạo để nói lên một ý chính. Bố cục là phần vụ then chốt trong ảnh nghệ thuật hay ít nữa, một ảnh có ý nghĩa hơn, dễ xem đẹp mắt hơn.
Cho nên bạn đến đường nét, hình dáng, thể tích, màu sắc, ánh sáng ,bóng tối...của cảnh hoặc vật mình muốn chụp ảnh trước khi bấm máy. Thử duyệt xem những ý nghĩa của phần vừa đề cập được chấp nhận chung trong giới làm nghệ thuật tạo hình.
1 - Đường nét:
Ta dùng đường nét để hướng mắt người xem vào chủ đề.
- Đường thẳng đứng (đường dọc - vertical) cho ta ý cương nghị, trang nghiêm, thẳng thắn, cứng rắn, vững chắc...
- Đường thẳng nằm (đường ngang - horizontal) cho ta ý rộng rãi , bình thản , thanh tịnh...
- Đường cong (curve) cho ta ý mềm mại, gợi cảm, duyên dáng mỹ miều, uyển chuyển, trôi chảy...
- Đường xiên (chéo góc - diagonal) cho ta ý nghĩa sống động, đấu tranh...
- Đường thẳng hội tụ cho ta cảm thấy chiều sâu...
- Đường cong hội tụ (xoáy trôn ốc) cho ta cảm giác cuốn hút mãnh liệt ví dụ con trốt (tornado), nước xoáy, trăn quấn...
- Đường toả ra cho ta ý phát xuất , bung rộng...
- Đưòng lập lại cho ta ý nhịp nhàng, thêm lên, hằng hà sa số...
- Đường ngang, dọc, chéo góc chung nhau cho ta ý nghĩa hỗn loạn, vô trật tự, thiếu tổ chức...
2 - Hình thể:
Theo hình kỷ hà. Những đường thẳng, đường cong góp lại thành hình kỷ hà, những hình này có ý nghĩa quan trọng giúp người chụp ảnh tạo tác phẩm của mình .
- Hình tam giác: vững vàng...
- Hình vuông, chữ nhật: chắc chắn, cứng rắn, nặng nề...
- Hình tròn: di động...
3 - Ánh sáng và bóng đổ:
Tạo hình thể thành khối lượng. Bóng đổ giúp hình thể thêm chiều thứ ba, chuyển một mặt phẳng thành khối có thể tích, có chiều sâu, có xa gần. Ánh sáng và bóng đổ nguyên nó đã là đường nét cho bố cục. Tập quan sát và diễn nghĩa các bóng đổ mình gặp hằng ngày, thử áp dụng vào bố cục tưởng tượng rồi chuyển qua chụp hình thật .
4 - Luật một phần ba:
Nên đặt chủ đề, nhất là chủ điểm vào điểm quan trọng của bố cục nằm ở 1/3 của chiều cao và chiều dài của ảnh, tránh đặt vào giữa ảnh. Đường chân trời cũng theo nguyên tắc này.
- Muốn nói trời rộng mênh mông, đặt đường chân trời vào 1/3 dưới.
- Muốn nói đất hoặc nước mênh mông, đặt đường chân trời ở 1/3 trên.
- Muốn tăng sự mênh mông bát ngát hơn, có thể đặt đường chân trời cao hơn hoặc thấp hơn 1/3 khung ảnh.
- Muốn nói lên sự cao vút, nên dùng bố cục đứng. Muốn nói lên sự rộng bao la bát ngát nên dùng bố cục nằm.
- Nên cho khoảng trống nhiều hơn ở phía trước của hướng người hay vật di chuyển tới. Điều này cũng áp dụng cho hướng nhìn của người nếu chụp ảnh bán thân hay chân dung nhìn ngang của người.
- Tuy nhiên nếu muốn nói khoé nhìn bị bế tắt hay đến đích sau khoảng đường dài đã qua, có thể áp dụng ngược lại điều ghi ở trên.
- Ở trên chúng ta có đề cập đến điểm mạnh để đặt chủ đề là 1/3 của khung ảnh. Nhưng muốn nói lên sự tôn nghiêm tối thượng (ảnh Chúa, tượng Phật, Tổng thống nói chuyện với dân, mục sư đang giảng đạo hay hoà thượng đang thuyết pháp...) chủ đề cần đặt vào giữa ảnh.
- Nếu lỡ sơ xuất hoặc hoàn cảnh không cho phép nguời chụp ảnh bố cục theo ý muốn ta có thể cứu vớt ảnh bằng cách cắt xén lại ảnh đã chụp bằng bố cục lần thứ hai.
- Nếu chụp ảnh trừu tượng hoặc ảnh chỉ dùng màu sắc mà không cần hình thể , ta cần chú ý đến màu chính và màu phụ, sự tương phản của màu sắc, cũng như kích thước của từng mảng màu để định chủ đề và đưa vào chủ điểm cho bố cục vững vàng.
(Sưu tầm)

No comments: